Dân Trí đưa tin, hơn 20 năm trước, vợ ông R. (sinh sống tại xã Phước Hưng, Trà Cú, Trà Vinh) bỏ lại 6 đứa con thơ dại mà ra đi vì bệnh nặng. Trong đó, con út là M. (sinh năm 1991) không nói được và không thể đi lại bình thường. Một mình phải lăn lộn kiếm tiền nuôi 6 đứa con khiến ông R. rơi vào cảnh bần cùng. May mắn mỉm cười khi ông R. được bà X. (sinh năm 1962) thương và đồng ý về sống chung để chăm lo mái ấm nhỏ cho người đàn ông này.
Bà X. dành cả đời để chăm sóc con riêng cho chồng. (Ảnh: Dân Trí)
Thời gian đầu, những đứa con thơ dại không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận mẹ kế. Dù chạnh lòng nhưng bà X. vẫn âm thầm chịu đựng, gạt đi tất cả để làm tròn bổn phận người mẹ. Bà cũng chính là người lo tươm tất mọi thứ khi các con đến tuổi dựng vợ gả chồng. Hiện tại, ngôi nhà chỉ còn đôi vợ chồng già, và đứa con út sức khỏe không được tốt. Cuộc sống vốn dĩ trôi qua êm đềm nhưng sóng gió lại đến vào năm 2017 khi M. có biểu hiện lạ. Lúc này, bà X. đưa M. đi viện khám và nhận được tin M. đã mang thai. Không biết nên làm thế nào, bà cứ thế ôm con mà khóc nức nở.
Bà tự tay chăm sóc cho con gái mọi thứ. (Ảnh: Dân Trí)
Sau 9 tháng 10 ngày, chị M. sinh được bé gái khỏe mạnh, xinh xắn. Dù không thể bồng ẵm hay cho con bú nhưng với bản năng làm mẹ, M. nhất quyết không để ai bế con gái đi. Lúc đầu, bà X. sợ M. không điều khiển được chân tay mà gây ảnh hưởng đến con nên mới có ý định bế bé sang giường khác. Thế nhưng khi nghe thấy tiếng kêu của con gái thể hiện sự không cho phép, bà X. đành để bé gái cạnh mẹ, còn mình thì đứng canh chừng. Bà chia sẻ với Dân Trí: “Tôi không dám rời mắt khỏi hai mẹ con, con bé khóc thì bế lên. Mất ngủ, tôi gầy xọp xuống. Dần dần, tôi thuyết phục M. cho cháu ngủ với mình, để tiện bề chăm sóc, mãi rồi M. cũng chịu, không kêu nữa. 4 năm nay, con bé ngủ với tôi, một tay tôi tắm rửa, ăn uống cả đấy.”
Bà là người nuôi, chăm sóc cháu từ lúc còn đỏ hỏn. (Ảnh: Dân Trí)
Bé con được đặt tên là M.P, lớn lên khỏe mạnh và sống rất tình cảm. Nếu không quấn quýt cùng ông bà thì bé lại vào nhà để trò chuyện, làm trò vui với mẹ. Nhìn cháu ngoại xinh xắn, khỏe mạnh, ông R. không khỏi hạnh phúc, chia sẻ: “Bà ấy đến với tôi là duyên nợ, đã kéo gia đình ra khỏi vũng lầy. Con bé M.P đến với gia đình tôi có lẽ là chuyện “bất đắc dĩ” nhưng chính nó lại là nguồn vui của vợ chồng tôi và của cả cái M..” Kể từ khi cháu gái chào đời, gia đình ông R. được mọi người biết đến nhiều và tìm đến hỗ trợ. Cuộc sống của cả gia đình nhỏ cũng đủ đầy, hạnh phúc hơn.
Ông nhận định chính bà X. đã “vị cứu tinh” của cả gia đình. (Ảnh: Dân Trí)
Câu chuyện của bà X. khiến cư dân mạng nhớ đến trường hợp tương tự khi mẹ kế yêu quý chồng con suốt 35 năm và 20 năm chăm cháu chồng sức khỏe không tốt. Vietnamnet đưa tin, bà D. (54 tuổi sinh sống tại xã Xuân Hiệp, Trà Ôn, Vĩnh Long), gặp ông S. khi đi làm công nhân. Lúc đó ông S. đã ngoài 40 còn bà D. mới 19 tuổi. Sau khi lấy nhau về bà D. mới biết ông S. đã kết hôn và có 2 người con. Mới 19 tuổi còn rất trẻ nên bà D. không khỏi bối rối. Thế nhưng thương những đứa con thiếu thốn tình thương của mẹ nên bà quyết định ở lại chăm sóc và nuôi dạy chúng nên người.
Bà D. gặp chồng khi đi làm công nhân, lấy về mới biết ông đã có 2 người con. (Ảnh: Vietnamnet)
Đến khi con gái lớn của ông S. đi lấy chồng đã sinh con trai đầu lòng nhưng không may bé bị bệnh. Cũng vì lí do đó nên vợ chồng con gái lớn quyết định li hôn và cháu được gửi về cho bà D. chăm sóc. Cháu bị bệnh, không như những đứa trẻ khác mà cần phải có người luôn túc trực cảnh bên. Bà D. chia sẻ với Vietnamnet: “20 năm nó sống trên đời là một tay tôi chăm sóc, ăn uống, lau dọn. Đến độ mà mẹ nó cho ăn nó cũng không chịu, tôi chưa kịp cho ăn là nó nhịn nó chờ chứ không ai làm thay được. Vì thế mà mình cũng không đi đâu được, phải suốt ngày ở nhà với cháu. Cháu không qua khỏi năm ngoái, tôi thương lắm, đến giờ có những lúc đêm nằm nghĩ đến cháu là nước mắt ướt gối.”
Bà đã yêu thương con riêng của chồng như con ruột chính mình sinh ra. (Ảnh: Vietnamnet)
Những trường hợp trên đưa đến cho chúng ta góc nhìn khác về mẹ kế. Dù không phải máu mủ, ruột rà nhưng họ sẵn sàng hi sinh tất cả, yêu thương và nuôi dạy những đứa trẻ nên người. Sự hi sinh cao cả mà không phải ai cũng làm được.
Theo Thể Thao & Văn Hóa